Khám phá sân bay Changi – Singapore

Nằm cách trung tâm Singapore 20 km về phía đông bắc, Changi là sân bay duy nhất tại đảo quốc sư tử. Từ khi khánh thành vào năm 1981, sân bay Changi đã hơn 650 lần nhận các giải thưởng và danh hiệu “Best Airport” (Sân Bay Xuất Sắc Nhất). Tháng 3, tại The World’s Best Airports – giải thường niên được mệnh danh là “Oscar của ngành hàng không”, sân bay Changi tiếp tục được vinh danh sân bay tốt nhất thế giới. Trước năm 2021, Changi từng 8 năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất.

Sân bay này có 4 nhà ga phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch hàng năm. Tính đến tháng 9/2023, có tất cả 6 hãng bay với 146 chuyến bay hàng tuần từ Changi đến 3 thành phố lớn của Việt Nam. TP HCM có 86 chuyến bay, Hà Nội có 33 chuyến và Đà Nẵng có 18 chuyến. Từ tháng 4/11, Bamboo Airways không còn khai thác chuyến bay từ Việt Nam tới Singapore.

Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường có lưu lượng khách hàng đầu đến sân bay Changi và cũng trong 10 thị trường khách mua sắm trọng điểm tại sân bay này. Đại diện sân bay Changi cho biết lượng khách thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng, sân bay có nhiều hoạt động và ưu đãi hướng tới khách Việt.

Changi không chỉ là sân bay đơn thuần, nơi đây là tổ hợp mua sắm, giải trí, ăn uống, du khách có thể tham quan, trải nghiệm dù không có chuyến bay.

Các nhà ga

Sân bay có 4 nhà ga đang hoạt động. Nhà ga T1 được mở đầu tiên vào năm 1981, sau đó lần lượt là nhà ga T2 mở vào năm 1990, nhà ga T3 hoạt động năm 2008 và nhà ga T4 mở năm 2017. Khu phức hợp Jewel tại sân bay được vận hành từ năm 2019.

Mỗi nhà ga trong Changi có thiết kế riêng cùng các điểm tham quan, dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí phục vụ du khách.

Nhà ga T1

Đây là nhà ga đầu tiên của sân bay Changi. Năm 2019, T1 được nâng cấp để nối liền với Khu phức hợp Jewel. Sau khi được tân trang, sảnh đi và sảnh đến mở rộng diện tích nhằm giúp hành khách di chuyển thuận tiện. Du khách từ Việt Nam có thể bay hãng Scoot để đến nhà ga T1.

Tại sảnh đi ở T1, du khách sẽ bắt gặp các thiết kế chuyển động hình giọt nước, lơ lửng trên không. Đây là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Kinetic Rain, được chế tác từ 1.216 giọt nước bằng đồng có thể biến đổi thành các hình dạng và hoa văn khác nhau như máy bay, khinh khí cầu, con diều.

Nhà ga này có một hồ bơi tầng thượng với tầm nhìn hướng ra đường băng, là địa điểm du khách thư giãn trong lúc quá cảnh chờ chuyến bay. 

Khu phức hợp Jewel

Khu vực này giống như “trái tim” của sân bay Changi khi nằm giữa và kết nối các nhà ga T1, T2 và T3. Jewel nối liền nhà ga T1, du khách từ nhà ga T2 và T3 có thể đến đây thông qua cầu bộ hành. Trước khi đi vào hoạt động năm 2019, Jewel từng là bãi đỗ xe cũ trong sân bay.

Jewel có 5 tầng từ mặt đất và 5 tầng ngầm dưới mặt đất, với tổng diện tích sàn là 135.700 m2. Đây là tổ hợp với hơn 280 cửa hàng bán lẻ và ăn uống cùng các điểm tham quan và lưu trú ngay trong sân bay.

Thác nước Rain Vortex là công trình mang tính biểu tượng tại đây, cao 40 m và nằm ngay tại trung tâm. Jewel sở hữu một trong những bộ sưu tập thực vật trong nhà lớn nhất ở Singapore – khoảng 21.000 m được thiết kế dành riêng cho cảnh quan trong toàn bộ khu phức hợp. Hai con đường mòn tự nhiên uốn khúc xuyên qua các khu vườn, và có cao độ 30 m từ dưới lên trên. Quanh thác nước cao 40 m được bao phủ bởi 2.000 cá thể cây xanh và cây họ cọ, cùng với hơn 100.000 cây bụi thấp.

Trong khu phức này còn có một công viên rộng khoảng 14.000 m2, nằm ở tầng cao nhất. Tại đây có các trò chơi như mê cung hàng rào, mê cung gương, cầu kính, lưới đi bộ cho du khách khám phá.

Điểm nhấn của khu vực này là Changi Experience Studio giống một bảo tàng ứng dụng công nghệ, tái hiện quá trình hình thành và phát triển sân bay Changi. Studio này có hơn 20 điểm tương tác trong 10 khu, bao gồm các trò chơi tương tác, trình chiếu hình ảnh, các show thực tế ảo và triển lãm. Mỗi điểm tương tác sẽ kể một phần khác nhau của câu chuyện về sân bay Changi. Du khách được phát tấm thẻ gắn chip RFID – hướng dẫn viên “ảo” để khám phá studio này.

Nhà ga T2

Nhà ga T2 đi vào hoạt động năm 1990, mới được mở rộng thêm 21.000 m2 và tái mở cửa vào tháng đầu tháng 11 vừa qua. Việc mở rộng giúp sân bay tăng sức chứa thêm 5 triệu hành khách mỗi năm và nâng tổng công suất xử lý lên 90 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là nhà ga đầu tiên của Changi trang bị làn hỗ trợ tự động cho người khuyết tật và trẻ nhỏ ở cả khu vực nhập cảnh chiều đi và về. Du khách từ Việt Nam có thể đặt chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airline đến đến nhà ga T2.

Nhà ga này có thiết kế mang hơi thở đương đại và được lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Không chỉ là nơi đón khách đến và đi, nhà ga này có nhiều điểm tham quan cho du khách khám phá khi chờ chuyến bay như thác nước “ảo” The Wonderfall, khu vườn treo Dreamscape, góc chụp hình với bảng lật chuyến bay cơ học Flap Pix, khu vực phòng chờ thử rượu Li Bai lounge.

Tại khu vực quá cảnh, nhà ga bố trí góc nghỉ ngơi TV Lounge cho hành khách với ghế ngồi và một màn hình LED cỡ lớn. Hành khách có thể theo dõi những chương trình TV hay những sự kiện thể thao mới nhất trong lúc chờ đợi. Với các gia đình có con nhỏ, khu trò chơi 2 Bears Hideout là lựa chọn phù hợp.

Nhà ga T3

Nhà ga T3 có kiến trúc mái vòm độc đáo, cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu vào sảnh đi, đồng thời tránh được cái nóng nhiệt đới. Đây là nhà ga có lưu lượng khách lớn nhất tại sân bay Changi. Từ ngày 26/10, nhà ga này bắt đầu khai thác các chuyến bay kết nối với Việt Nam thông qua hãng hàng không Vietnam Airlines.

Điểm tham quan tạo nên dấu ấn của nhà ga này là Vườn Bươm Bướm (Butterfly Garden) tọa lạc tại phòng chờ tầng 2 và 3. Đây là khu vườn bướm đầu tiên trên thế giới có mặt ở một sân bay. Tại đây có hơn 1.000 con bướm nhiệt đới thuộc hơn 40 loài khác nhau. Khu vườn còn đặt các trụ nuôi cấy nhiều giống bươm bướm.

Hiện T3 là nhà ga đầu tiên ở Changi trang trí Giáng sinh và có các hoạt động trải nghiệm, mua sắm mang chủ đề lễ hội cuối năm. Du khách có thể ghé nhà tuyết Candy Snow House ở tầng 1 để trải nghiệm cái lạnh âm 10 độ C trong sân bay thuộc xứ nhiệt đới. Địa điểm này bán vé vào cửa là 18 đôla Singapore (325.000 đồng), trải nghiệm trong một tiếng. Trước khi vào nhà tuyết, du khách được trang bị áo phao, găng tay giữ nhiệt. Khu vực này chỉ mở cửa đến tháng 3/2024.

Nhà ga T4

Đây là nhà ga duy nhất không kết nối trực tiếp với khu phức hợp Jewel. Nhà ga T4 có diện tích nhỏ nhất trong 4 nhà ga tại Changi, có lối thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh hoa phong lan. Họa tiết cánh hoa đối xứng được tìm thấy ở rất nhiều vị trí khác nhau trong khắp nhà ga như trần nhà, thảm đi. Đây là nhà ga có nhiều hãng hàng không khai thác chuyến bay kết nối với Việt Nam nhất tại sân bay Changi bao gồm Vietjet, Pacific Airlines và Jetstar Airways.

Nổi bật ở trung tâm nhà ga T4 là tác phẩm điêu khắc động học Petaclouds, quy mô trải dài 200 m, với hình dáng những đám mây cánh hoa. Tác phẩm chuyển động theo điệu nhạc cổ điển được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Iceland Ólafur Arnalds.

Khu Di sản Heritage Zone tại T4 cũng là điểm được nhiều du khách check in. Địa điểm này cho du khách hình dung về những dãy nhà truyền thống màu sắc của người Peranakan ở Singapore. Khu vực trình chiếu vở kịch ngắn khoảng 6 phút mang tên “Chuyện tình Peranakan” trên màn hình LED tại sân khấu digital được tạo bởi hai khu shophouse.

Nhà ga còn có các điểm vui chơi, giải trí như ống trượt Chandelier (Đèn Chùm) – công trình kiến trúc kiêm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có độ cao 16 m, cho du khách trải nghiệm miễn phí trước giờ lên máy bay.

Mua sắm và ăn uống

Phần lớn doanh thu của sân bay Changi không đến từ hoạt động đón hành khách mà từ các hoạt động thương mại, theo đại diện sân bay Changi. Toàn bộ sân bay có hơn 550 cửa hàng ăn uống, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế tại 4 nhà ga và khu phức hợp Jewel.

Dịch vụ mua sắm nổi bật tại đây có thể kể đến Changi 1st. Đây là các quầy sự kiện từ những nhãn hàng lớn trên được dựng tại sân bay, giới thiệu những sản phẩm sắp ra mắt trên toàn thế giới. Changi còn có dịch vụ mua sắm trực tuyến Ishop Changi, khách mua hàng qua ứng dụng sau đó có nhân viên hỗ trợ giao hàng tại sân bay. Một dịch vụ khác chưa nhiều du khách biết đến tại sân bay này là Shopping Concierge – nhân viên hỗ trợ mua hộ hàng theo yêu cầu, chỉ đường, hướng dẫn mọi thông tin và thủ tục cho du khách khi đến Changi. Hiện dịch vụ này có cả nhân viên người Việt hỗ trợ du khách không biết tiếng Anh.

Khu vực mua sắm tại các nhà ga

Du khách đến Jewel có thể ghé tầng 2, đại lộ Duplex (Duplex Boulevard) để mua sắm. Khu vực này có 11 cửa hàng hai tầng (dạng duplex), trong đó có những thương hiệu nổi tiếng thường xuyên đông khách như Apple Store hay Shake Shack.

Tại nhà ga T2 mới hoạt động, điểm mua sắm nổi bật là khu mua sắm miễn thuế Lotte Duty Free Wines & Spirits, chuyên các sản phẩm về rượu. Không gian ở đây chia thành hai tầng, tầng một là không gian quầy bar không người, khách hàng được phục vụ bởi robot pha chế là Toni và the Makr Shakr. Đây là người máy bartender đầu tiên có mặt tại một sân bay trên thế giới. Tầng hai là khu vực trưng bày và thưởng rượu. Tại đây khách có thể tự chọn trong 18 loại whisky để uống thử. Khu vực này có trần nhà là màn hình LED chiếu hình ảnh lấy cảm hứng từ khu vườn của nhà thơ Lý Bạch.

Tầng hầm B2 mới được tân trang tại nhà ga T3 cũng tập trung các thương hiệu được bày bán ở Changi và các cửa hàng bán lẻ, trưng bày các sản phẩm được làm mới vài tháng một lần, nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của du khách.

Khu vực miễn thuế tích hợp tại nhà ga T4 cũng nơi tập trung đủ mặt hàng điện tử, quần áo, túi xách, trà bánh của các thương hiệu từ phân khúc trung đến cao cấp. Nhà ga T4 thu hút nhiều khách Việt mua sắm bởi có đến 3 hãng hàng không từ Việt Nam khai thác chuyến bay đến đây.

Các điểm ăn uống

Du khách có thể trải nghiệm ăn uống trong vườn tại tầng 5 của khu Jewel. Bao quanh nơi này là cây xanh và tiếng thác chảy. Nhà hàng Tanuki Raw, Burger & Lobster là hai địa điểm nên ghé ở khu vực này.

Ở nhà ga T2, hành khách ghé nhà hàng Gourmet Garden để thưởng thức ẩm thực địa phương và quốc tế trong khi chờ đợi. Nhà hàng nổi bật với khu vườn treo, nằm ngay sát tường kính nhìn thẳng ra sân đỗ máy bay. Thực đơn của nhà hàng có cả các món Việt như phở bò.

Du khách có chuyến bay tại nhà ga T3 có thể ghé Singapore Foodstreet nằm ở tầng 3 khu vực phòng chờ quá cảnh. Địa điểm này tái hiện phố ẩm thực Singapore những năm 1960, tập hợp các quầy hàng dạng xe đẩy phục vụ món ăn địa phương như Bak Kut Teh (sườn trà), cơm gà Hải Nam, laksa (bún hải sản).

Khu Di sản Heritage Zone ở T4 cũng có những điểm ăn uống phục vụ ăn tại chỗ và các quầy hàng bán đặc sản địa phương đóng gói làm quà lưu niệm.

Lưu trú

Khuôn viên sân bay duy nhất tại Singapore có hệ thống khách sạn quá cảnh cung cấp các dịch vụ như một điểm lưu trú thông thường. YOTELAIR là khách sạn đầu tiên của châu Á, tọa lạc tại khu Jewel là nơi hành khách có thể đặt phòng lưu trú với thời lượng tối đa lên tới 4 giờ. Du khách quá cảnh ở nhà ga T1 có thể nghỉ ngơi tại khách sạn Aerotel. Hành khách ở T3 có thể đặt phòng tại khách sạn Crowne Plaza.

 

Leave Comments

028 3990 4575
0912898191